Với sự phát triển của công nghệ và số hóa, marketing ngày nay đang chứng kiến sự biến đổi vượt bậc sang nền tảng marketing 4.0. Tương tự như thuật ngữ cách mạng 4.0, rất nhiều người thắc mắc tại sao lại là con số 4.0 mà không phải là 6.0 hay 10.1. Trên thực tế, con số nào cũng có một câu chuyện đằng sau và bài viết dưới đây sẽ giúp bạn giải đáp phần nào nỗi trăn trở trên để cảm thấy mình không bị “lạc trôi” trong thời đại số.
Lẽ dĩ nhiên, để có marketing 4.0 thì tất yếu phải có marketing 1.0. Marketing 1.0 xuất hiện khi cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ nhất (1760 – 1830) bùng nổ. Tại thời điểm đó, sự góp mặt và thay đổi quá lớn của công nghệ ứng dụng trong lĩnh vực sản xuất dần thay thế cho phương thức sản xuất thủ công. Nhu cầu của người dùng cũng vì thế mà gia tăng, khiến cầu vượt cung.
Lúc này sản phẩm không phải lo bị “ế hàng” nếu có thể đảm bảo các yêu cầu về chất lượng. Các nhà sản xuất hầu như không cần quan tâm đến phân khúc khách hàng để chọn nhóm khách hàng tiềm năng nhất, mà chỉ cần tập trung phát triển sản phẩm của mình và kinh doanh trên thị trường đại chúng. Nói cách khác, marketing 1.0 chính là giai đoạn lấy sản phẩm làm trung tâm, cạnh tranh về chất lượng và tính năng của sản phẩm/ dịch vụ.
Marketing 4P tại giai đoạn này cũng vì thế mà được sắp xếp theo thứ tự 4 P như sau: Product (Sản phẩm) – Price (Giá) – Place (Phân phối/ Điểm bán) – Promotion (Quảng bá). Nhà sản xuất quan tâm đến việc phát triển sản phẩm, giảm chi phí sản xuất, tăng năng suất và đem đến giá cả phù hợp với đại chúng.
Hoạt động tiếp thị cũng vì thế mà còn nhiều hạn chế, chủ yếu xuất hiện trên các kênh truyền thống như đài phát thanh, báo in, truyền hình,… với các thông tin cơ bản về tiện ích, tính năng và hướng dẫn sử dụng sản phẩm.
Thông tin tiếp thị cũng vì vậy mà mang tính một chiều. Nghĩa là chỉ có thông tin quảng cáo từ nhà sản xuất đến người mua mà không có chiều phản hồi ngược lại. Việc thu thập thông tin của khách hàng là hầu như không thể và cũng hạn chế trong việc đo lường tính hiệu quả của chiến dịch truyền thông.
Nếu như marketing 1.0 gắn liền với cách mạng công nghiệp thì marketing 2.0 lại gắn liền với cuộc cách mạng công nghệ thông tin. Đó là khi Internet trở nên phổ biến, người dùng có nhiều cơ hội hơn để tiếp cận với nguồn thông tin về sản phẩm/ dịch vụ. Họ bắt đầu tìm hiểu nhiều hơn, so sánh và đánh giá về mặt tính năng, hình thức giữa các sản phẩm cùng loại và ra quyết định mua hàng đối với các sản phẩm mà họ có cảm tình. Nói cách khác, đây là giai đoạn người mua có những nhận xét chủ quan của riêng mình dành cho sản phẩm và mong muốn giải quyết không chỉ về nhu cầu lý tính (sản phẩm) mà còn giải quyết nhu cầu cảm tính. Kể từ đây, sự cạnh tranh giữa các thương hiệu cũng dần tăng lên và đòi hỏi phải có sự khác biệt để thu hút khách hàng. Marketing 2.0 là giai đoạn chuyển dịch sang xu hướng lấy khách hàng làm trung tâm, chú trọng vào việc tạo sự khác biệt để định vị thương hiệu.
Giai đoạn này bắt buộc doanh nghiệp phải để tâm đến việc lựa chọn phân khúc khách hàng để chọn ra nhóm khách hàng tiềm năng nhất. Từ đó tạo nét khác biệt so với đối thủ cạnh tranh và khẳng định thương hiệu trên thị trường. Khi xác định được phân khúc và lựa chọn nhóm khách hàng mục tiêu thì mọi hoạt động từ định vị, định giá sản phẩm, phân phối đến truyền thông đều ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động marketing. Đây chính là giai đoạn marketing được nâng tầm chiến thuật lên tầm chiến lược.
Sau marketing 2.0, marketing 3.0 đã được phát triển nhờ sự tác động của công nghệ tương tác. Người dùng không còn khó khăn trong việc sở hữu một chiếc máy tính hay smartphone như trước nữa. Thay vào đó, máy tính và smartphone ở mức giá phải chăng cùng sự xuất hiện của các nguồn mở (open source) đã mở ra cơ hội cho người dùng tiếp cận với thông tin theo thời gian thực dễ dàng hơn. Qua đó kết nối và tương tác với nhau.
Việc kết nối thông tin trên phạm vi toàn cầu khiến thế giới trở nên “phẳng” và tạo thành các nhóm cộng đồng mạng chia sẻ cùng mối quan tâm với một chủ đề chung trong xã hội. Họ có ý thức cao hơn và cùng mong muốn thế giới trở nên tốt đẹp hơn. Đây là giai đoạn khách hàng được thể hiện ý chí, nguyện vọng, tâm tư của mình và dùng tiếng nói cá nhân ảnh hưởng đến hành vi của người khác.
Sự đòi hỏi, mong muốn của khách hàng dần vượt khỏi giới hạn cá nhân và mở ra cho doanh nghiệp cơ hội tiếp cận mới. Doanh nghiệp bắt đầu suy nghĩ về việc làm sao để khách hàng sau khi sử dụng sản phẩm, dịch vụ của mình sẽ cảm thấy họ đang cùng với doanh nghiệp làm cho xã hội tốt đẹp hơn.
Marketing 3.0 ra đời với định hướng lấy con người làm trung tâm, lấy sứ mệnh và giá trị thương hiệu đem lại để cống hiến cho xã hội. Không còn gói gọn trong việc phục vụ nhóm khách hàng mục tiêu, marketing 3.0 đòi hỏi doanh nghiệp đóng góp các giá trị thặng dư xã hội ngoài giá trị kinh doanh. Mối quan hệ đó không chỉ bao gồm nhóm khách hàng mục tiêu mà còn cả những nhóm không nằm trong tệp khách hàng nhưng cùng một mối quan tâm về vấn đề xã hội cụ thể.
Marketing 3.0 là thời kỳ đỉnh cao của quyền lực người tiêu dùng đối với hoạt động Marketing và nâng tầm quan trọng của marketing trong chiến lược kinh doanh.
Marketing 4.0 ra đời là quy luật tất yếu khi cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 bùng nổ. Ở giai đoạn này, con người ứng dụng công nghệ số vào mọi “ngóc ngách” của cuộc sống. Những công nghệ số được con người ứng dụng vào marketing phải kể đến:
Marketing 4.0 lấy con người làm trung tâm và sử dụng công nghệ số để tạo nên sự kết nối. Con người ngày nay đang tồn tại song song giữa hai thế giới ảo và thực. Marketing 4.0 ra đời không đồng nghĩa với việc phủ nhận đi phương thức tiếp thị truyền thống mà nó góp phần tạo nên sự kết nối online và offline. Kết nối giữa khách hàng – doanh nghiệp và xã hội, giúp trải nghiệm của khách hàng được nhất quán và xuyên suốt trong cả “hai thế giới”.
Có thể thấy, không chỉ các ngành công nghiệp sản xuất mới trải qua quá trình “nâng cấp”, mà bản thân marketing cũng từng bước có sự thay đổi để phù hợp với bối cảnh của thời đại mới. Để sản phẩm, dịch vụ đi đến trái tim người dùng, người làm quảng cáo và doanh nghiệp rất cần nhận thức sự chuyển đổi mạnh mẽ này để có chiến lược phù hợp cho từng giai đoạn phát triển sản phẩm của mình.